Dưa cải chua, dưa hành, dưa kiệu, dưa món…
là những món không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, vừa ngon miệng vừa giúp
“giải ngán” các thức ăn nhiều mỡ. Làm sao để có những lọ dưa thật thơm giòn và
đẹp mắt? Vài mẹo nhỏ sau giúp bạn đỡ lúng túng khi muối dưa.
Nguyên liệu làm
dưa món có thể phơi hoặc sấy. Nếu phơi, cần rửa sạch dưa với nước ấm trước khi
muối để làm sạch đất cát bám vào khi phơi, rồi vắt thật ráo. Nếu là loại sấy
khô, nên trụng sơ qua nước sôi thêm ít muối và giấm, để dưa nở và trắng.
Nước mắm ngâm dưa
nấu theo công thức ba đường, hai nước mắm và 1/2 nước lạnh. Nên dùng nước mắm
ngon để dưa “chín” có màu vàng đẹp mắt và độ mặn vừa phải. Nấu nước mắm với lửa
nhỏ để nước mắm không bị sôi trào, khuấy đều tay cho đường tan hết, không bị
đọng dưới đáy nồi và nhớ hớt bọt thường xuyên. Nước mắm nấu xong phải để nguội
mới đổ vào dưa cho ngập mặt và cài chặt miệng hũ để dưa không bị nổi lên,
nhưng không nên nén quá chặt.
Dưa kiệu
Dưa kiệu ngon phải
trắng giòn, mùi vị không hăng.
Khâu nguyên liệu
làm dưa rất quan trọng. Kiệu làm dưa nên mua loại kiệu Huế, củ nhỏ, rễ nhiều,
thân nở tròn, đuôi mảnh. Khi cắt kiệu, không nên phạm vào thân, kiệu sẽ dễ úng.
Ngâm kiệu qua đêm
với muối hột để bớt hăng rồi xả thật sạch cho ra hết chất mặn mới đem phơi.
Muốn kiệu trắng giòn, nên ngâm trong nước phèn chua rồi đem phơi nắng. Tuy
nhiên, cần đốt phèn chua trước cho bay hết chất độc, sử dụng mới an toàn.
Muối kiệu bằng
cách rải một lớp kiệu đến một lớp đường để đường tự tan chảy và lên men. Cách
này tuy mất thời gian nhưng có thể để lâu.
Dưa cải chua
Dưa ngon là dưa
vừa miệng, giòn, có màu vàng sáng, không bị thâm.
Chọn cải bẹ to và
chắc, muốn ăn nhanh, nên cắt miếng cải vừa để nhanh thấm. Phơi cải qua một nắng
để cải hơi héo, khi muối sẽ giòn hơn, nhưng đừng phơi lâu quá, dưa sẽ bị dai.
Dưa ngon hay không
tùy thuộc lượng đường và muối dùng để muối dưa. Muối nên cho vừa phải, nếu
nhiều muối quá, dưa sẽ bị mặn và lâu chua, nếu ít quá, dưa sẽ nhanh hỏng. Đường
giúp dưa lên men và mau chua, ngoài ra, còn có tác dụng giúp dưa có màu vàng
đẹp.
Nước muối dưa phải
ngập mặt dưa, vì vậy, cần dùng vật chặn mặt dưa lại, để dưa không nổi lên trong
quá trình muối. Thỉnh thoảng nên thăm chừng, nếu dưa bị nổi váng trắng, nên
cho thêm muối và đầu hành để chữa.
*Lưu ý: Điều vô
cùng quan trọng là hũ, lọ dùng để muối tất cả các loại dưa đều phải thật vệ
sinh nhằm tránh vi khuẩn sinh sôi khi dưa lên men, dễ gây ngộ độc, đặc biệt với
dưa cải chua. Dùng hũ sành hoặc thủy tinh, tráng qua nước sôi và phơi nắng
trước khi cho dưa vào, nắp hũ cũng phải tráng và phơi cho ráo.
Theo Nguyễn Ngoan ( Phunuonline )
http://thvl.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét