Căn
bệnh quái ác khiến Hạnh bị mù, khuôn mặt biến dạng, đi không vững, phát âm
không rõ ràng. Cơ hội đi tu nghiệp ở Nhật cùng đám cưới sắp diễn ra của cô cũng
không còn.
Là con
gái út trong một gia đình lễ giáo, kinh tế khá ở Đà Lạt, từ nhỏ Lê Dương Thể
Hạnh đã học rất giỏi. Tốt nghiệp ngành tiếng Nhật (khoa Đông Phương, Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), Hạnh làm thư ký kiêm phiên dịch cho tổng
giám đốc một công ty Nhật Bản. Năm 2007, tương lai của Hạnh
rộng mở khi cô được công ty cử sang Nhật tu nghiệp. Cô cũng quyết định sẽ lập
gia đình trong năm đó, khi ở tuổi 26. Nhưng rồi, tương lai tươi sáng bị sụp đổ
khi cô phát hiện có khối u ở não.
Có
lúc nỗi tuyệt vọng của Hạnh như đã tột cùng, những giọt nước mắt cũng muốn cạn
kiệt. Trong hơn
một năm, Hạnh phải trải qua 27 lần xạ trị và nhiều đợt phẫu thuật. Sau khi mổ u
não, khuôn mặt của Hạnh bị biến dạng, một tai không còn nghe rõ, đôi chân của Hạnh
không thể vững bước, khả năng phát âm cũng ảnh hưởng trên 80%. Đôi mắt của Hạnh
không còn nhìn thấy gì nữa và lễ cưới của cô cũng chẳng có.
Năm 2008, sau khi trở về Đà Lạt, Hạnh tưởng như
phải sống đời thực vật nhưng cô là người rất có nghị lực. Ngày nào Hạnh cũng
dành 4 tiếng để luyện tập thể dục bằng việc đi bộ trong nhà, đạp xe tại chỗ.
Vừa tập, cô vừa nghêu ngao hát, nhờ đó, chức năng của phát âm của cô cũng được
phục hồi phần nào.
Với nỗ lực riêng và tình yêu thương của gia
đình, Hạnh đã vượt qua tất cả để chấp nhận thực tế bất hạnh của bản thân và làm
cho cuộc sống càng thêm ý nghĩa. Cô dành nhiều thời gian giúp đỡ những người
cùng cảnh ngộ. "Mình còn may mắn hơn rất nhiều người là tuy chịu bệnh tật
nhưng không phải bận tâm chuyện cơm áo hàng ngày", Hạnh tâm sự. Cô cũng
không muốn người khác nhìn mình bằng con mắt thương hại.
Qua
Internet, Hạnh trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, Nhật miễn phí cho người khiếm
thị ở Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ và TP HCM. Hạnh cũng là cô giáo dạy tiếng Việt
cho học trò ở Australia, Mỹ. Ngoài ra, cô thành lập nhóm từ
thiện Sắc Màu Hy Vọng để quyên góp, tổ chức chương trình cho người khiếm thính,
khiếm thị. Các kế hoạch, hoạt động của nhóm được cập nhật lên website
riêng với 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Việt. Ngoài Hạnh còn có 3 thành viên nữa
là bạn đại học của cô và 20 cộng tác viên.
Ngày ngày, Hạnh vẫn tự tìm tòi kiến thức và
chiếc máy tính đã trở thành người bạn gắn bó với cô. Tháng 9 vừa qua, Hạnh nhận
được giải nhì cuộc thi viết "Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc
sống" của Quỹ Bill & Melinda Gates và một giải phụ Gương mặt truyền
thông cơ sở xuất sắc.
Trong chuyến công tác tại Đà Lạt, bà Deborah
Jacobs, Giám đốc chương trình thư viện toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda
Gates, đã đến thăm Hạnh. Bà rất khâm phục những việc Hạnh làm cho cộng đồng và
người khiếm thị, khiếm thính.
Quốc Dũng
·
·
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét