Tết cổ truyền hay còn gọi là tết Nguyên Đán là Tết lớn
nhất của dân tộc Việt Nam
từ ngàn xưa đến nay, là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Tết Nguyên
Đán Việt Nam từ buổi khai thiêng lập địa đã tiềm tàng những giá trị nhân văn,
thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên , vũ trụ qua bốn mùa Xuân-
Hạ- Thu- Đông….
Từ thuở vua Hùng đã có Tết. Ngày Hội
cơm mới xưa khi Lang Liêu dâng vua cha tấm bánh Chưng xanh đặt nền móng cho một
phong tục đẹp. Chiếc bánh Chưng xanh tượng trưng cho sức sống của đất. Khi bóc
bánh ra ta thấy cả tình người, thấy bao công lao tảo tần xới đất, lật cỏ cùng
đôi bàn tay khéo léo. Chiếc bánh truyền đời truyền cả những tấm lòng thơm thảo
, hiếu để mang bản chất tâm hồn người Việt.
Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ đêm giao thừa. Trong ngày 30
tháng Chạp( Nếu tháng thiếu là 29), nhưng người dân trên khắp ba miền của cả
nước đã chuẩn bị Tết từ khoảng 23 tháng chạp (ÂL). Con cháu trong nhà gần xa trở về nơi cha sinh, mẹ đẻ. Ai không về được thì vái vọng
khấn lời tạ lỗi. Bàn thờ tổ tiên, vào lúc giao thừa không thể thiếu hoa- trái
vườn nhà trong mâm ngũ quả. Ông, bà, con, cháu các thế hệ họp mặt trong không
gian gia đình thơm ngát hương trầm, mang khung cảnh Tết. Người cao tuổi nhắc
nhở ôn lại lai lịch tổ tiên , ông bà dặn dò con cháu- Sáng mùng 1 đừng quên
những điều tốt lành : không nói ngoa ngoắt, nhăn nhó, cáu giận. Trẻ nhỏ được
mặc quần áo mới , phải ngoan.
Nét đặc sắc trong phong tục cổ truyền là tục
mừng tuổi và chúc Tết đầu năm. Trong ngày Tết mọi người đều chúc nhau những lời
chúc tốt đẹp nhất: “Vạn Sự như ý”, “ An khang thịnh vượng”, “ Mạnh khỏe sống
lâu trăm tuổi” người lớn thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ những phong bao lì xì kèm
lời chúc “ Chăm ngoan học giỏi”. Tục mừng
tuổi mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Mọi người đều cầu chúc và mong muốn sang năm
mới sẽ được hưởng những gì tốt đẹp nhất . Ngày Tết có những quy ước không thành
văn mà ai cũng theo. Ví như từ mồng 1 Tết đến mươi ngày sau đó, người có tiền
cho vay không đòi nợ . Người có lòng tốt không đòi nợ vào những ngày giáp Tết.
Tết còn là dịp nhìn lại một năm qua ta đã sống như thế nào. Mấy ngày Tết nhớ phong tục cổ truyền đi lễ chùa thắp hương
cầu mong đất nước yên bình, gia đạo bình an. Học trò đến thăm chúc Tết thầy
giáo, cô giáo biểu hiện sự tôn sư trọng đạo, từ xưa có câu, “Mồng một Tết cha,
mồng ba Tết thầy”.
Mùa Xuân gắn với Tết Cả và các lễ hội
dân gian. Tết và các lễ hội dân gian vốn nảy sinh từ nền văn minh lúa nước. Văn
hóa xóm làng do những người trồng lúa nước dựng xây nền tảng. Lễ hội dân gian đa
dạng trong sắc thái biểu hiện, trong đối tượng thờ cúng, trong nghi thức lễ Tết,
trong không gian văn hóa đền, chùa, đình, ca múa nhạc và các trò vui khác…
Trong lễ hội dân gian nhân dịp Tết
cả bao giờ cũng có tế lễ dâng lễ vật tạ
ơn trời đất, thần thánh tổ tiên … đã phù hộ độ trì cho nên công nên quả. Nội
dung của phần hội là dân làng tụ họp, trai gái hát đối đáp diễn chèo, hát ca
trù, hát xoan, múa rối nước, hội diễn
giao lưu văn nghệ . Phần thể thao và các trò chơi dân gian thường có đấu vật,
đua thuyền, chơi đu, chọi gà, cờ tướng, … Nó là sự thăng hoa về tâm linh, sự
thư giãn về tinh thần sau một năm lao động vất vả. Lễ hội dân gian thường xen
giữa cái huyền ảo và cái thực, cái chính thống và cái dân gian. Những điều đó
đã in đậm trong văn hóa người Việt từ nghìn xưa.
Ngày nay, phong tục Tết có những nét
thay đổi so với Tết truyền thống xưa không còn chuyện trồng cây nêu hay chơi
trò bịt mắt bắt dê, đập niêu… thay vào đó là cảnh mua sắm nhộn nhịp, trưng
bày hoa kiểng, mọi người hân hoan xuống
phố để xem pháo hoa đêm giao thừa hay biểu diễn múa lân nghệ thuật… Cho dù Tết
nay có những thay đổi so với Tết truyền thống nhưng thế hệ trẻ chúng ta nên cố
gắng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp phong tục Tết cổ truyền.
Thanh Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét