Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

HOA TẾT





          Có thể nói mọi người  trên thế giới này đều yêu hoa, bởi hoa biểu đạt được ý tưởng và lẽ sống của con người. Hoa giúp cho con người vơi đi sự đau buồn, lạnh lẽo cô đon. Vì thế trong những ngày  Tết, không nhà nào là không có một nhành hoa đào, hoa mai, hoa lan, hoa huệ, hoặc một lọ hoa rực rõ nào đó đặt trên bàn thờ tổ tiên, làm tăng không khí thiêng liêng cho ngày Tết.
          Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi ( 1380-1422) xa lánh triều quan xa lánh cõi đời, danh lợi nhiều nhưng “ nhặng xanh đầy vết”. Ông về sống nơi núi rừng Côn Sơn, với hang động, chùa chiền và cỏ cây hoa, lá … Cuốn “ Quốc âm thi tập” của nguyễn Trãi  gồm 254 bài thơ, đầy ắp thiên nhiên, mây, hoa, trăng, gió, tùng, trúc, cúc, mai…Nguyễn Trãi chẳng còn biết thời gian , “ thấy nguyệt tròn thì kể tháng”, “ nhìn hoa nở mới hay Xuân”. Đêm khuya vắng, mặt trăng hiện lên trước hiên nhà, có trồng bờ trúc nhà thơ viết: “ Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc” ông cảm thấy trăng như người bạn đến thăm, khiến tâm hồn nhà thơ sảng khoái, cho quên đi bao nỗi phiền muộn, ưu tư.
          Nguyễn Trãi cho hoa cúc là một loài hoa mộc mạc, đơn sơ nhưng lại có vẻ đẹp thanh cao, là biểu tượng của cuộc sống ẩn dật mà ông yêu thích. Cũng như nhà thơ Đào Tiềm, một danh sĩ ẩn dật thời nhà Tấn – Trung Quốc, cuối thế kỷ thứ III , Đào Tiềm cho rằng cúc có thể so sánh với đạo đức của người quân tử. Cúc là giống cây dễ trồng và không tốn công sức vun tưới , cũng như tính con người vốn giản dị và lương thiện, cúc đến mùa Thu thì trổ hoa, hình sắc tươi đẹp. Đến mùa đông sương giá thì nhiều loại hoa đều phai tàn, chỉ có cúc vẫn hiên ngang trong giá lạnh. Đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả trong  đoạn “ Hoạn Thư bắt Thúy kiều gảy đàn”.
                    Sen tàn cúc lại nở hoa
          Sầu dài, ngày ngắn Đông đà sang xuân
          Rõ ràng chỉ qua hai câu thơ, Nguyễn Du đã dùng các loại hoa thích hợp  để diễn tả tâm trạng buồn tủi của Thúy Kiều  suốt trong bốn mùa Xuân- Hạ- Thu Đông.
          Nhà thơ Lý Bạch ở Trung quốc thì cho rằng hoa mẫu đơn là hoa phú quý, tuy phú quý, giàu sang nhưng khó gần, vì thế hoa mẫu đơn thường được trồng ở chùa chiền, miếu mạo để nhờ đức Phật kềm chế tính kiêu ngạo .
          Thi hào Nguyễn Trãi cho hoa sen là loại hoa quân tử . Ông rất yêu hoa sen vì hoa sen mọc từ vùng đất dơ bẩn, hôi tanh nhưng phẩm chất rất tinh khiết, trong sạch . Sen lại có vẻ đẹp trong sạch thanh khiết hiên ngang, vì có thân mọc thẳng không nhánh, không cành, còn hương thơm thì thanh khiết, lan tỏa. Trong cõi phật hoa sen tượng trưng cho  tinh thần vô nhiễm, bởi hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ngày nay hoa sen được vô số nhân dan Việt Nam  bình chọn là “ Quốc hoa”  thật đúng với giá trị và phẩm chất cao thượng của hoa sen.
          Người xưa cho  các loài cây như tùng, trúc, cúc, mai… có phẩm chất tốt đẹp có thể đem so sánh  vói nhân cách đạo đức của con người, ví như tùng có  thể chịu đựng được sương tuyết, nên sống thọ, bền lâu. Trúc tao nhã, cứng rắn, cúc có vẻ đẹp bình dị gần gũi với khách văn chương …
          Ngày nay, người ta cho rằng mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng, mà con người khó có thể diến tả bằng ngôn ngữ một cách trọn vẹn, bởi các loài hoa không những  mang đến hương sắc cho bốn mùa, mà còn mang đến cho con người những ý tưởng khác nhau  của mỗi loài hoa, đó là sự hướng tới cái đẹp , tôn vinh cái đẹp của con người.
          Nhiều quốc gia trên thế giới chọn hoa hồng làm biểu tượng của tình yêu, sắc đẹp, nhưng mỗi loại hoa hồng có ý nghĩa khác nhau : Hoa hồng trắng tượng trưng cho mối tình trinh bạch, hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu cháy bỏng nồng thắm …
          Mỗi năm cứ đế ngày giáp Tết hoa đào Nhật Tân, hoa lan Hạc đính, hoa địa lan cùng với rất nhiều loài hoa khác  được bày bán ở các hội chợ hoa xuân  và ở hầu hết các Tỉnh thành  cả nước. Có người kể rằng hoa lan xuất xứ từ Trung Quốc, hương sắc của nó rất đặc biệt  nên được tôn vinh làm Quốc hoa của Trung Quốc, lá địa lan xanh quanh năm  vóc dáng tuấn nhã lại có khí- sắc – thần- vận riêng, nên lan là hình tượng đẹp đẽ cao sang và quân tử. Các thi sĩ gọi các bài thơ văn hay là “ Lan chương” , tìm được bạn hiền là “ Lan giao”, gặp được khách quý là “ Lan khách”. Chả thế mà Mạc Đĩnh Chi một trí thức lớn được cử đi sứ bên Tàu. Vì quá yêu hoa lan nên Mạc đĩnh Chi bắt tùy tùng giấu giống hoa lan đem về, khi tới Ải Nam Quan, người Tàu biết được giữ lại và luận tội “xâm hại Quốc hoa” của người Trung Quốc . Sau vì nghe được mấy bài ngâm vịnh về lan của Mạc Đĩnh Chi  hay quá, họ phục tài đành phải cho đem về trồng tại Thăng Long.
          Bước vào mùa Xuân Ất Mùi, chúng ta không quên đặt trong nhà bình hoa, chậu cảnh  với những nhành hoa mà mình yêu thích nhất , góp phần làm cho ngày Tết vui tươi, hạnh phúc.   

                                                                   Vy Phát
                                                                       (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

vedeoclip