Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

ĐÊM HỘI TRUNG THU TỐN KÉM NHẤT VIỆT NAM


(TNO) Vào lúc 18 giờ tối nay 7.9, 'Lễ hội đèn trung thu lớn nhất Việt Nam' và cũng được xem là tốn kém nhất Việt Nam sẽ chính thức khai cuộc ở Phan Thiết.

Đèn trung thu khổng lồ trong đợt lễ hội trước - Ảnh: Quế Hà
Theo thông báo từ Phó ban tổ chức lễ hội Nguyễn Văn Hòa (Trưởng Phòng Văn hóa thông tin Phan Thiết) thì năm nay sẽ có 32 đèn trung thu, đại diện 32 trường học của thành phố Phan Thiết tham dự đêm rước đèn.
Ngoài 32 đèn thì mỗi em được vinh dự đứng vào hàng ngũ của trường đi rước đèn sẽ phải có một chiếc đèn trung thu nhỏ cầm trên tay.
Lễ hội trung thu Phan Thiết là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Nhưng quy mô của lễ hội này chỉ hoành tráng kể từ hơn chục năm trở lại đây, khi mà sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Lễ hội đèn trung thu lớn nhất Việt Nam”.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, lễ hội này mỗi năm một hoành tráng và to lớn hơn, theo đúng nghĩa của từ to lớn.

http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/news-pbdes.jpg;pv8b664f0583babad9
Văn hóa truyền thống Việt không phải cứ làm “lớn nhất Việt Nam” là được giữ gìn. Sự gìn giữ văn hóa Việt, nét riêng truyền thống còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức ở mỗi sự kiện văn hóa khác nhau
http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/news-pbdes-2.jpg;pvbfb510943cb34975
Nó to lớn là bởi vì mỗi một chiếc đèn trung thu giá tiền mỗi năm một cao thêm. Quy cách đèn, cùng kiểu dáng, mẫu mã và cả kích thước cũng hoành tráng lên.
Năm nay, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, mỗi đèn trung thu (trong số 32 đèn) có giá trị không dưới 50 triệu đồng. Có đèn được làm công phu, sắc sảo, hình thù đẹp và với sự hỗ trợ của ánh sáng kỹ thuật, có thể lên tới 70 triệu đồng.
Đèn trung thu trong lễ hội này, có cái cao tới 3 mét, rộng 2 mét, to như chiếc xe ô tô. Thậm chí khi đi trình diễn trên phố, phải có người cầm sào tre đi theo gỡ dây điện ngoài đường vì sợ vướng vào đèn. Đèn trung thu nhưng được gắn theo cả một máy phát điện vào xe đẩy. Có con chíp điện tử điều khiển từ xa. Và có khi được gắn cả vào một chiếc ô tô mới kéo nổi.
Mỗi một trường tham gia vào lễ hội này, phải chuẩn bị nguồn kinh phí không dưới 70 triệu đồng để làm đèn. Đấy là chưa kể 120 em đi theo hàng ngũ của lễ hội phải được trang bị 120 đèn mini, cũng với hình thù không được trùng lặp với bất cứ trường nào khác.
Không phải ai cũng biết làm đèn trung thu. Ở Phan Thiết, chỉ một vài cơ sở quảng cáo biết làm. Do vậy, nhiều trường tranh thủ đặt họ làm đèn từ đầu tháng 8, khi mà học sinh còn chưa tựu trường.
Tính trung bình, mỗi trường khoảng 70 triệu đồng cho đêm trung thu tối nay. Toàn ngành giáo dục thành phố Phan Thiết phải tốn mất hơn 2 tỉ đồng. Đấy là chưa kể tiền thưởng của Ban tổ chức cho những đèn “đẹp nhất”, “đẹp nhì” của lễ hội.
Với phương châm xã hội hóa, việc làm đèn không sử dụng ngân sách nhà nước. Dĩ nhiên, tiền này được huy động từ sự đóng góp “tự nguyện” của các bậc phụ huynh.
“Lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam” hiện đã xuất hiện mô hình tận ngoài Tuyên Quang, một tỉnh kết nghĩa với Bình Thuận.
Tuy nhiên mô hình làm đèn lồng ở Tuyên Quang, dù cũng hoành tráng nhưng nó được huy động hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng làng từng xóm chứ không thương mại hóa và cao cấp bằng Phan Thiết.

Chiếc đèn của Trường tiểu học Phú Thủy 1 để sẵn ở cổng chuẩn bị kéo về sân lễ đài

Các em học sinh của một trường học đến lễ đài từ sớm

Thầy trò Trường THCS Hùng Vương đang di chuyển đến lễ đài

Nhiều đèn có mặt ở lễ đài từ 14 giờ chiều nay 7.9 - Ảnh: Quế Hà
Ở Phan Thiết hiện có hai khuynh hướng và hai cách nhìn về “Lễ hội đèn trung thu lớn nhất Việt Nam”.
Có một số cán bộ hưu trí và phụ huynh cho rằng lễ hội như hiện nay dù khá nổi tiếng, nhưng vô cùng tốn kém.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục phản ứng nhưng không dám biểu lộ vì sợ.
Họ cho rằng lễ hội kiểu “lớn nhất Việt Nam” này không chỉ làm khổ phụ huynh, giáo viên, mà ngay cả các em học sinh cũng khổ cực. Chiếc đèn trung thu công phu làm mấy chục triệu, nhưng chỉ sử dụng đi diễu hành hai tiếng rồi vứt bỏ.
Có năm trời mưa, các em mặc áo mưa đi rước đèn vì không thể không rước, vì mọi việc đã được chuẩn bị rất kỹ từ cả tháng trời rồi.
Nhiều người cho rằng không thiếu cách làm khác, dù vẫn tổ chức hoành tráng, vẫn nổi tiếng, nhưng cần rất ít tiền. Đó là phát động phong trào tự làm đèn trung thu theo phong cách truyền thống Việt Nam. Hoặc có thể hai, hay năm năm tổ chức hoành tráng một lần.
Nhưng có một số người lại cho rằng nhờ có “lễ hội lớn nhất Việt Nam” này mà Phan Thiết được nhiều người biết đến, du khách đến Mũi Né - Phan Thiết ngày càng đông hơn. Từ lễ hội này mà ngành du lịch Bình Thuận “hốt bạc” nhiều hơn.
Văn hóa truyền thống Việt không phải cứ làm “lớn nhất Việt Nam” là được giữ gìn. Sự gìn giữ văn hóa Việt, nét riêng truyền thống còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức ở mỗi sự kiện văn hóa khác nhau.
Lễ hội trung thu cũng vậy. Rất nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức trung thu cho thiếu nhi. Và họ cũng tổ chức với rất nhiều hình thức phong phú. Dù không “lớn nhất Việt Nam” nhưng cái quan trọng là vẫn cho các cháu được vui chơi với văn hóa truyền thống mà không hề tốn kém.

http://www.thanhnien.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

vedeoclip