Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

THÁI LAN CÓ THỦ TƯỚNG TẠM QUYỀN MỚI


Ông Niwatthamrong Boonsongpaisarn đã trở thành thủ tướng tạm quyền mới của Thái Lan sau khi bà Yingluck Shinawatra phải ra đi vì phán quyết của tòa án.

Bà Yingluck Shinawatra chào tạm biệt người ủng hộ sau khi tuyên bố rời chức - Ảnh: AFP

Ngày 7.5, hàng ngàn người thuộc phe biểu tình chống chính phủ Thái Lan tập trung bên trong công viên Lumpini ở Bangkok để “ăn mừng chiến thắng” sau khi đã lật đổ được Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Trước đó, tòa án hiến pháp nước này tuyên bố bà Yingluck phải ra đi vì đã có một quyết định vi hiến hồi năm 2011. Kết quả này là điều phe chống đối mong muốn trong hơn 6 tháng qua nhưng không thể đạt được bất chấp các cuộc biểu tình và chiếm đóng rầm rộ. Từ chiều đến suốt đêm qua, phe này tổ chức diễu hành khắp đường phố Bangkok để ăn mừng.
Chỉ cần chưa tới nửa ngày thẩm vấn trực tiếp những người liên quan là Hội đồng xét xử gồm 9 thành viên của tòa hiến pháp đã kết luận quyết định luân chuyển nhân sự của Thủ tướng Yingluck hồi 2011 là “vi hiến vì làm lợi cho cá nhân gia đình và đảng cầm quyền”. Trong khi đó, bà Yingluck giải thích đó là quyết định của hội đồng các bộ trưởng do một phó thủ tướng chỉ đạo và bà không thể can thiệp. Ngoài bà Yingluck, 9 thành viên nội các khác, bao gồm 4 phó thủ tướng, cũng bị cách chức. Tuy nhiên, theo phán quyết của tòa, chính phủ của đảng Puea Thai không bị giải tán như lo ngại của nhiều người.
Hôm qua, bà Yingluck xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố kết thúc vai trò thủ tướng sau 2 năm 9 tháng cầm quyền. Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vẫn khẳng định mình vô tội nhưng không phản đối phán quyết của tòa. Đảng Puea Thai thì chỉ trích rằng chính tòa hiến pháp đã có một động thái vi hiến. Dù vậy, đảng này vẫn chỉ định Phó thủ tướng phụ trách Bộ Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisarn làm thủ tướng tạm quyền cho đến kỳ bầu cử mới vào tháng 7.   

Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongpaisarn - Ảnh: AFP
Vẫn còn cơ hội
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Thái Lan, tòa hiến pháp tước quyền điều hành chính phủ của thủ tướng. Lần đầu là vào năm 2008 với ông Samak Sundaravej thuộc đảng của ông Thakisn Shinawatra, anh trai bà Yingluck. Sau nhiều kế hoạch lật đổ ông Samak không thành, phe đối lập đã nhờ đến Tòa hiến pháp với vụ án “nấu ăn trên truyền hình”.  Vốn xuất thân là đầu bếp, ông Samak tham gia một chương trình nấu ăn trên truyền hình và bị tòa kết luận là đã vi hiến vì “hành động kiếm lợi cá nhân”.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngày 7.5, chuyên gia Verapat Pariyawong nói tòa hiến pháp đã có “một quyết định quái gở”. Theo ông, những phán quyết như đối với ông Samak và bà Yingluck không góp phần làm ổn định nền chính trị nước này mà chỉ khiến mâu thuẫn thêm sâu sắc thêm. Ông Verapat dự đoán tình hình sắp tới sẽ có nhiều biến động vì đến nay, bà Yingluck đã thành công trong việc kiềm chế phe Áo đỏ, ngăn lực lượng này đổ ra đường bạo động đẫm máu như hồi 2010. Hôm qua, phe Áo đỏ tuyên chiến với phe chống chính phủ vì đã lật đổ bà Yingluck.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Luật thuộc ĐH Siam là Jade Donovanik nhận định việc tước quyền thủ tướng của bà Yingluck là kết quả chấp nhận được cho cả hai phe. Phía chính phủ dù mất bà Yingluck trong vai trò thủ tướng nhưng vẫn giữ được nội các trong khi phe chống đối cũng đạt mục tiêu trước mắt dù chưa lật đổ được cái mà họ gọi là “chế độ Thaksin”. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bà Yingluck mất hoàn toàn cơ hội làm thủ tướng nếu vẫn được đảng Puea Thai đề cử trong bầu cử sắp tới”, ông Jade nói với Thanh Niên.

http://www.thanhnien.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

vedeoclip