Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: TẦM VÓC VĨ ĐẠI CỦA 2 CON NGƯỜI


Hội thảo khoa học quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng. Họ là hai nhà lãnh đạo quan trọng dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến chiến thắng này.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến  dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu

GS Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia đã khảo cứu nhiều tư liệu tuyên truyền thời kỳ 1940 cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tư liệu này đều liên quan đến Hồ Chí Minh. Điều này giúp ông giải thích sợi dây gắn kết người dân trong cuộc kháng chiến. Sự gắn kết này, theo ông thể hiện một phần ở kết nối lực lượng dân công khổng lồ, các công việc chủ yếu thực hiện thủ công.
Ông Rob Hurle cũng tiếp cận các tư liệu tuyên truyền này trên nền tảng của văn hóa làng. Khi hầu hết các hoạt động chi viện cho trận Điện Biên Phủ diễn ra tại miền bắc Việt Nam thì tại đây lại có cả làng xã và đa dân tộc. Theo ông, đây là hai đặc trưng của Việt Bắc gây khó khăn cho việc huy động và đoàn kết người dân trong một trận chiến lớn như Điện Biên Phủ.
Từ nghiên cứu các tác phẩm tuyên truyền suốt chiều dài 15 năm, ông cho rằng “tác giả chính của các tài liệu vận động bao gồm hoạt động tuyên truyền hướng đến người nông dân Việt Nam và các dân tộc thiểu số, là Nguyễn Ái Quốc, còn được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh”.
Ông Rob Hurle cho biết, từ tháng 8.1941, Hồ Chí Minh bắt đầu cho xuất bản Báo Việt Nam Độc lập cho các cộng đồng nông thôn. Hồ Chí Minh viết hơn 30 số cho tờ báo nhỏ mà ảnh hưởng lớn này. Ca dao, một hình thức văn vần phổ biến ở nông thôn Việt Nam, được sử dụng thường xuyên trong các số báo trên. “Mỗi số báo đều có mục Vườn văn, bao gồm thơ, phần lớn do Hồ Chí Minh viết... Những câu thơ này kết hợp nhiều biểu tượng và ẩn dụ đặc trưng và có ý nghĩa đặc biệt với những người sống trong các bản làng ở nông thôn phía bắc”.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, xuyên suốt Vườn văn, Hồ Chí Minh sử dụng thể thơ lục bát và song thất lục bát. “Đặc biệt khó tìm thấy thể thơ lục bát trong thơ văn ngoài Việt Nam, bởi sự phù hợp của thể thơ này với ngữ điệu tiếng Việt”, ông đánh giá.
Lịch sử nước ta, cuốn sách mỏng in trên giấy gần như giấy dó cũng được vị GS này phân tích. Theo ông, cuốn sách có những bức vẽ dường như do chính Hồ Chí Minh thực hiện, với chủ đề trọng tâm là khởi nghĩa. Phần lớn anh hùng trong sách của Hồ Chí Minh đều là những người đã dẫn dắt, lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống lại kẻ áp bức. “Từ khởi nghĩa xuất hiện tám lần trong bản text và tám lần trong danh sách những ngày quan trọng ở hai trang cuối cùng của cuốn Lịch sử nước ta. Theo tôi điều này rất ý nghĩa và nó chứng tỏ rằng cuốn sách lịch sử này khích lệ, vận động cho những cuộc khởi nghĩa khác vào những năm 1940”, ông đánh giá.
Sử dụng kế sách linh hoạt
Trong khi đó, GS-TS Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Nga) lại vô cùng tâm đắc với chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Chiến lược của Võ Nguyên Giáp thời đó không phải là đánh vào đồng bằng Bắc bộ, nơi có nhiều quân Pháp và cơ sở hạ tầng quân sự, mà là làm cho họ phân tán lực lượng trong đồng bằng và tự gửi quân để chiến đấu ở vùng xa xôi rồi rơi vào bẫy đã được chuẩn bị rất chu đáo”, ông phân tích.
Trong tham luận của mình, ông Vladimir Kolotov phân tích những kế sách khác nhau của Đại tướng mà ông gọi là “thực hiện một kịch bản dẫn đối thủ từ bẫy này đến cái bẫy khác”.
Chẳng hạn, với “con nhím khổng lồ” tập đoàn cứ điểm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng diệu kế “lên  nhà rút thang”. “Lúc đầu Pháp hy vọng là trong trường hợp cần thiết có thể dùng không quân để hỗ trợ nhưng khi trận đánh bắt đầu thì họ hiểu ra rằng máy bay đến chiến trường Điện Biên Phủ từ sân bay chính cách 300 km chỉ có thể chiến đấu được 15 phút. Khi vào trận họ mới biết Việt Nam còn có lực lượng phòng không hoạt động rất hiệu quả. Cùng lúc đó, Việt Minh đã tổ chức mạng lưới cung cấp vũ khí và thực phẩm trên con đường bí mật ở vùng núi rừng”, ông đánh giá.
Cũng theo ông Kolotov, Đại tướng đã sử dụng kế sách “giả si bất điên”, tức là làm cho tướng địch coi thường mình, không cẩn thận, không đề phòng.

http://www.thanhnien.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

vedeoclip