Vì
"nói dối" đã trở thành nhu cầu, không thể bắt mọi người lúc nào cũng
nói thật.
Ngày xưa, vào một năm nọ, Ngọc Hoàng có cảm giác không còn tin
tưởng hoàn toàn vào báo cáo của các Táo, nên Ngài đã sai Thiên
Sứ âm thầm điều tra cuộc sống người dân dưới hạ giới.
Hồi đó, đa phần người dân là nghèo khổ, nên vấn đề trước mắt không
phải là làm thế nào để dân giầu, mà đơn giản chỉ là làm thế nào để cho
dân bớt đau khổ. Với suy nghĩ như vậy nên Thiên Sứ chủ động tiếp cận những
người đang gặp đau khổ để tìm hiểu nguyên nhân vì đâu lên nỗi?
Ngày đầu tiên, Thiên Sứ thấy một cô gái đẹp đang ngồi khóc lóc bên
bờ sông. Đoán rằng cô nàng sắp tự tử vì thất tình, Thiên Sứ bèn hóa thành ông
Bụt đến an ủi rồi hỏi đầu đuôi. Thì ra không phải như Bụt nghĩ, cô gái vừa khóc
thút thít vừa kể rằng cô tên Tấm, vừa bị đứa em cùng cha khác mẹ lừa xuống sông
gội đầu để rồi nó ở trên bờ lấy trộm hết số tôm cá vừa mò được. Ông Bụt tỏ ra
thông cảm, khuyên rằng: thôi, khóc lóc chả giải quyết vấn đề gì, cứ về đi rồi
sau này nếu có dịp ông sẽ giúp.
Ngày tiếp theo, Thiên Sứ gặp chàng trai cao to lực lưỡng, tay lăm
lăm con dao, thế mà lại bất lực ngồi giữa rừng khóc tu tu. Lấy làm lạ, Thiên Sứ
đến bắt chuyện. Anh chàng thật thà kể rằng anh tên Khoai, bị gã Phú Ông bắt lên
rừng tìm cây tre trăm đốt để về vót đũa làm đám cưới, nhưng tìm mãi chưa ra.
Thiên Sứ biết thừa là anh chàng đã bị Phú ông xỏ mũi, vì nếu vót đũa thì hà cớ
gì phải là cây tre 100 đốt? Và trên đời này làm gì có cây tre nào đủ 100 đốt?
Lại một trường hợp khổ đau vì bị lừa, Thiên Sứ nghĩ thầm trong bụng. Thấy
anh chàng khờ đến tội nghiệp, tiện sẵn có ít phép thuật mang theo, Thiên Sứ đã
giúp anh Khoai có cây tre đủ 100 đốt để về đòi lại được vợ ngay ở những giây
cuối cùng.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, cứ đâu có tiếng khóc than thì Thiên
Sứ lại xuất hiện để tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ. Thôi thì đủ mọi hoàn cảnh, có
cô thì gào khóc vì bị bọn con trai lừa tình, có chị thì bị chồng đánh đập vì lỡ
nói dối chồng về sự trong trắng, có anh thì dằn vặt vì gặp cô người yêu nói dối
hơn Cuội, có người thì chém giết nhau vì tội lường gạt, có bà thì khóc ngất vì
bị thằng con lừa lấy tiền đi chích... rất nhiều chuyện đau lòng mà nguyên nhân
chủ yếu xuất phát từ việc nói dối, lừa lọc nhau.
Không chỉ gặp gỡ các cá nhân, Thiên Sứ còn nghe ngóng cả những đám
đông để xem họ đang phẫn uất về điều gì? Có lần, Thiên Sứ gặp một đám đông đang
la ó tỏ ra bất bình lắm, có vài người còn bị kích động đến mức vừa đốt xe vừa
chửi bới. Nghe ngóng một hồi Thiên Sứ mới hiểu ra rằng họ bực bội vì một ông
quan địa phương, cứ mỗi lần ông ý hô to “không tăng giá xăng” thì y như rằng
mấy hôm sau giá xăng lại tăng.
Lại có lần khác, Thiên Sứ nghe thấy một đám đông ồn ào, không phải
họ khóc, mà là cười, mà cũng không phải là cười bình thường, mà là cười xót xa,
có chút nghèn nghẹn, ưng ức. Thiên Sứ lập tức dò hỏi thì được biết những người
này bị tâm thần, họ tâm thần vì nghe phải những báo cáo kiểu như là “kết quả
thi tốt nghiệp của một tỉnh miền núi đạt 100%”, nào là “Kỳ thi diễn ra hoàn
toàn nghiêm túc”, rồi là “Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm”, rồi thì “chỉ có
1% công chức làm việc không hiệu quả”... vân vân và vân vân.
Sau 3 tháng đi thực tế, Thiên Sứ đã gửi báo cáo tổng kết lên Ngọc
Hoàng với những phân tích khoa học kèm theo dẫn chứng hết sức thuyết phục. Bản
báo cáo có mấy ý chính như sau:
1. Một trong những nguyên
nhân nổi cộm dẫn đến sự đau khổ cho người dân chính là sự dối trá, lừa lọc.
2. Sự dối trá, lừa lọc diễn
ra nhiều nơi. Người nói dối cũng đủ hạng, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, từ
thành thị đến nông thôn, từ bần cố nông đến phú hộ, từ kẻ mù chữ đến người học
cao....
3. Có những câu nói dối
được lặp đi lặp lại đến mức đã trở thành kinh điển, kiểu như: (con gái)
đây là lần đầu tiên của em; (con trai) anh hoàn toàn không quan tâm đến quá khứ
của em; (ngôi sao) tôi yêu đại gia không phải vì tiền; (công ty độc quyền)
chúng tôi bị lỗ; (siêu thị) tuần giám giá bán hàng không lợi nhuận; (con buôn)
tôi bán lỗ vốn; (quan tham) tôi không hề nhận một đồng nào; (giám đốc) tôi
không bao giờ quên những cống hiến của các anh...
Đọc báo cáo xong, Ngọc Hoàng tỏ ra rất quan ngại trước tình trạng
nói dối diễn biến phức tạp dưới hạ giới. Sau khi bàn bạc với Thiên Sứ và một
vài cận thần, Ngọc Hoàng kết luận:
1. Việc nói dối là một nhu
cầu có thật, không thể yêu cầu tất cả mọi người đều nói thật 100%.
2. Tuy nhiên, nếu cứ để
tình trạng nói dối bừa bãi, vô tổ chức thì sẽ rất nguy hiểm, vì như thế con
người sống với nhau thật giả lẫn lộn, không biết đường nào mà đề phòng, dẫn đến
vô vàn đau khổ như kết quả Thiên Sứ đã điều tra.
3. Để đảm bảo dung hòa 2
điều trên, tức là vừa cho phép nói dối mà lại vừa phải đảm bảo không làm ảnh
hưởng xấu, nhà Trời quy định cho phép người dân được nói dối thỏa mái vào 1
ngày. Cụ thể, dành riêng ngày 1 tháng 4 hàng năm (gọi là Cá Tháng Tư) để mọi
người ai có nhu cầu nói dối, lừa lọc gì thì cứ thỏa mái, còn những ngày khác
thì không được phép nói dối.
Lệnh Trời ban ra, dân hạ giới răm rắp thực hiện, chỉ nói dối đúng
vào Ngày nói dối – 1/4, còn những ngày khác toàn
nói thật. Tuy nhiên, vài năm sau đó thì cứ lờn dần, người dân không chỉ nói dối
vào ngày 1/4 mà còn nói dối lan ra cả những ngày khác theo thói quen trước kia.
Mặc dù biết người dân không tuân thủ nữa, nhưng nhà Trời cảm thấy quy định này
chỉ phù hợp với người Giời, rất khó áp dụng cho hạ giới, nên cũng không ép.
Trước thực trạng người dân không chỉ có nói dối vào riêng ngày
1/4, có vị quan nhà Trời đề xuất bỏ, không gọi 1/4 là “ngày nói dối” nữa, vì
ngày nào cũng nói dối được thì cần gì đến “ngày nói dối”? Thế nhưng đề xuất này
bị bác bỏ, vẫn cần “ngày nói dối”, để phân biệt với ngày khác, những ngày mà
người ta vừa nói dối vừa nói thật không biết đâu mà lần.
Thế là cho đến tận hôm nay, chúng ta vẫn giữ thói quen nói dối vào
ngày 1/4, còn những ngày khác thì lúc nói thật, lúc nói dối.
http://hcm.24h.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét