Di tích lịch sử văn hóa đình Hòa Ninh tọa lạc tại ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Theo đường bộ cách Ủy ban nhân dân xã Hòa Ninh về hướng tây nam khoảng 8 km và cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 10km. Du khách đến tham quan di tích có thể chọn đường bộ và đường sông một cách dễ dàng.
|
Đình Hòa Ninh |
Theo lời kể của các vị cao niên, đình thần Hòa Ninh được xây dựng vào năm 1849, trên phần đất rộng 2.000m2, có lối kiến trúc theo kiểu đình làng Nam Bộ truyền thống, gồm 3 gian: võ ca, võ quy và chánh điện, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu.Đến năm Tự Đức ngũ niên (1852) đình Hòa Ninh được sắc phong Thành Hòang Bổn Cảnh và sắc phong này vẫn còn nguyên vẹn, chữ viết rõ ràng, sắc nét. Năm 1902, đình bị sụp đổ, dân làng Hòa Ninh dựng lại ngôi đình mới trên nền đình cũ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, đình Hòa Ninh bị phá hủy. Đến năm 1949, do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, hội hương đình đã dựng tạm ngôi đình đơn sơ trên nền cũ và năm 1995, đình Hòa Ninh đã được trùng kiến lại hoàn tất. Từ bên ngoài nhìn vào là cổng tam quan, trên cổng ghi “Đình thần Hòa Ninh” bằng chữ quốc ngữ và “Hòa Ninh linh miếu” bằng chữ Hán. Mái ngói của cổng có hình lưỡng long tranh châu. Qua cổng tam quan có cặp hổ bằng bêtông do chùa Tiên Châu và Miếu Công Thần phụng cúng năm 2001.
Ngoài các công trình kiến trúc như những ngôi đình thần khác ở Nam bộ, đìnhHòa Ninh có 2 gian chính là võ quy và chánh điện, phía bên phải chánh điện là nhà chỉnh y. Các gian nhà được xây bằng bê tông, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu. Nóc đình trang trí hình lưỡng long tranh châu. Võ quy có diện tích 39m2, có hai bức tranh vẽ phong cảnh trên tường ở bên phải và bên trái. Võ quy và chánh điện cách nhau bằng ba cửa, trên mỗi cửa có treo một tấm hòanh phi làm bằng xi măng, nền đỏ, chữ đắp nổi sơn vàng. Sau võ quy là chánh điện, được thiết kế có tứ trụ bằng bêtông giả gỗ, mái lợp ngói âm dương. Trần chánh điện giữa tứ trụ được vẽ hình rồng. Trong Chánh điện là bàn thờ hội đồng, hai bên vách là bàn thờ thần Bạch Mã và Thái Giám. Phía trong cùng, giữa chánh điện là nghi thờ thần, hai bên là nghi thờ Tả ban và Hữu ban.
Khánh thờ làm bằng xi măng, được chạm trổ hình rồng và dơi. Phía trước nghi thờ thần là cặp hạc và hai hàng lỗ bộ. Phía trên khánh thờ thần là bức hòanh phi "Thành Hồng Đại Vương" bằng danh mộc, nền thếp vàng, chữ màu đen, xung quanh trang trí đường diềm hình long phụng. Đối diện với bức hòanh phi này à tấm hòanh “Thần Ân Trạch” bằng danh mộc, xung quanh trang trí hình hoa mai cẩn ốc xà cừ, chữ thếp vàng. Xung quanh di tích còn có các cây kiểng, cây cổ thụ có giá trị, tạo bóng mát quanh năm và thể hiện sự trầm mặt, uy nghiêm của di tích như: cây khế, cây xanh; cây cam xe, cây dầu, cây sao, phượng vỹ, cây giá tỵ,...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Hòa Ninh là nơi diễn ra một số hoạt động cách mạng, là nơi hội tụ những người chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước góp phần vào sự nghiệp thống nhất chung của Tổ quốc. Tiêu biểu là giai đoạn năm 1868 – 1870, khu vực đình Hòa Ninh có nhiều cây cối rậm rạp, nghĩa quân của cụ Võ Minh Chơn, hậu duệ của cụ Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương), đóng quân tại đây để chống Pháp. Sau đó, bị thực dân Pháp phát hiện nên chúng tổ chức ruồng bố ráo riết và bắt được cụ Võ Minh Chơn và ông Xã Sĩ. Thực dân Pháp dụ hàng nhưng hai cụ cương quyết không chịu, chúng đem hai cụ ra hành quyết tại ngôi đình Hòa Ninh nhằm đàn áp phong trào Cần Vương và khủng bố tinh thần của nhân dân.
Trong thời kỳ Đảng Cộng Sản Việt Nam còn hoạt động bí mật, dù địch kiểm sóat gắt gao nhưng năm 1938, đồng chí Trịnh Quốc Thành - là một cán bộ được cấp trên đưa xuống để tìm cách gây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí Trịnh Quốc Thành lần lượt liên hệ với những người cùng chí hướng như ông Phạm Văn Tung, ông Cao Văn Thới, ông Trương Văn Đồ, ông Trần Văn Ấn, ông Ngô Văn Kính... để thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng đất bốn xã cù lao ngày nay, dưới gốc cây đa của đình làng Hòa Ninh và bầu đồng chí Phạm Văn Tung (Năm Tung) làm bí thư. Cây đa này đã bị đốn để xây trường học, nhưng do không có giáo viên nên trường không hoạt động, khoảng thời gian sau ngôi trường bị hư dột và phá bỏ.
Bên cạnh đó, đình Hòa Ninh còn là nơi hoạt động của Thanh niên tiền phong từ tháng 10 năm 1945 và là cơ quan hoạt động của Mặt trận Việt Minh từ năm 1946 đến năm 1948. Đồng thời, là nơi an táng 12 đồng chí hy sinh trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Ban hội hương đã chăm sóc và bảo vệ nơi chôn cất này đến sau ngày 30/4/1975. Khoảng năm 1998, UBND xã Bình Hòa Phước tổ chức đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Hòa Phước.
Đình Hòa Ninh có một lịch sử hình thành lâu dài. Trải qua những đổi thay của lịch sử và sự mai một của thời gian, đình vẫn còn được gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống cho tới ngày nay. Hàng năm, đình thần Hòa Ninh có các lệ cúng: Lễ Hạ Điền ngày 10/3 âm lịch; Lễ Thượng Điền ngày 15 – 16/10 âm lịch và ba năm đáo lệ Kỳ Yên một lần. Với những giá trị và truyền thống lịch sử trên, Đình Hòa Ninh được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003 và hiện nay di tích này trở thành mô hình văn hóa gắn kết với đình làng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử về di tích, về lịch sử vùng đất và con người nơi đây, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương và của tỉnh Vĩnh Long.
Minh Quân
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét